Thị trường vật liệu xây dựng bắt đầu hồi phục cuối năm 2020
Theo đó, mặc dù sản lượng tiêu thụ còn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng đã tăng đáng kể so với những tháng đầu năm. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động điều tiết sản xuất để giảm nguồn cung khi thị trường trầm lắng nên hạn chế được tình trạng dư thừa. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục với mức giá cả ổn định. Nhìn lại thị trường 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng. Từ đầu năm đến nay, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng đều có xu hướng giảm, trong đó lĩnh vực kính xây dựng và gạch ốp lát có sản lượng tiêu thụ và sụt giảm mạnh nhất (tương ứng là 61,5% và 52,2% so với cùng kỳ năm 2019). Một số chủng loại vật liệu xây dựng khác như vật liệu xây, lợp, đá, cát, sỏi cũng có xu hướng giảm sản lượng tiêu thụ từ 10 – 20% .
Đối với thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện xuất khẩu theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, do dịch bùng phát ở hầu hết các nước, việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia có dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của các doanh nghiệp như: không thể ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới, hợp đồng cũ thực hiện chậm, chi phí giá thành tăng, thời gian lưu kho bãi kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải hàng hóa bị đình trệ… Sản lượng xuất khẩu quý I/2020 của một số doanh nghiệp giảm từ 13 – 20% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó lượng xuất khẩu xi măng giảm 13%. Một số nguyên vật liệu và thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế phải nhập khẩu từ nước ngoài phục vụ cho sản xuất bị đình trệ trong tháng 2 và đầu tháng 3. Do lượng tiêu thụ chậm, các tháng đầu năm 2020 một số doanh nghiệp đã buộc phải giảm giá bán từ 10 – 12% so với cuối năm 2019. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động giảm sản lượng sản xuất để hạn chế tồn kho sản phẩm.
Trước thực trạng đó, để giảm thiểu tác hại của đại dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã kiến nghị một số giải pháp như: Giảm thuế VAT xuống còn 5%, giảm lãi xuất vay ngân hàng; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm, lùi thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, tiền thuê đất, BHXH… Cải cách thủ tục hải quan nhằm đảm bảo thông quan hàng hóa xuất khẩu nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các địa phương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục có các chương trình phù hợp để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới để mở rộng thị trường, thay thế thị trường cũ…